• :
  • :
Đường dây nóng 19009436
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hải Dương mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch nông thôn

Nước sạch nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng để thay đổi, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nhất là người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới của tỉnh Hải Dương

 

Công nhân xí nghiệp nước sạch Ninh Giang, tỉnh Hải Dương kiểm tra máy móc ở trạm vận hành.

 

Nước sạch nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng để thay đổi, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nhất là người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới của tỉnh Hải Dương


Nước sạch về làng

 

Vào thời điểm năm 2010, nước sạch ở Hải Dương chỉ chủ yếu cấp cho khu vực đô thị, trong khi đó, chỉ có hơn 20% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch từ 36 trạm cấp nước với tổng công suất 20.000 m3/ngày.

 

Người dân nông thôn chủ yếu sử dụng nước mưa, nước giếng khoan và ao hồ; tuy nhiên, trước thực tế nguồn nước mặt, nước ngầm ngày một gia tăng ô nhiễm khiến nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng cao của nhân dân nơi đây.

 

Anh Trần Văn Quý, xã Thái Dương, huyện Bình Giang cho biết, trước đây, xã chưa có nước sạch thì gia đình phải sử dụng nước mưa và nước giếng khoan. Nước mưa thì dùng để nấu ăn còn tắm giặt thì đều sử dụng nước giếng khoan.

 

Tuy nhiên, tắm bằng nước giếng khoan thì thường bị ngứa. Bể chứa nước mưa thì cũng ít được vệ sinh thường xuyên nên mọi người trong gia đình hay mắc các bệnh ngoài da… Do đó, nhu cầu sử dụng nước máy cho sinh hoạt hàng ngày luôn là mong muốn thường trực của mọi người.

 

Sau đó, xã có nhà máy nước sạch nông thôn và các gia đình đã đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, nhà máy nước này sử dụng nguồn nước sông đã bị ô nhiễm, mực nước lên xuống không đều nên người dân vẫn thường xuyên bị mất nước.

 

Ông Nguyễn Văn Vững, Cụm trưởng Cụm kinh doanh nước sạch số 5, Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Hải Dương cho biết: Cụm số 5 đang cung cấp nước sạch cho trên 1.200 khách hàng. Trước đây, công ty có nhà máy tự sản xuất nước để cung cấp cho người dân nhưng nhận thấy nguồn nước sông bị ô nhiễm, không đảm bảo nên nhà máy đã ngừng sản xuất.

 

Đến năm 2017, để đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân, Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Hải Dương đã phối hợp với Công ty cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương để chuyển đổi nguồn nước từ đó người dân đã được sử dụng nước sạch hàng ngày và chất lượng rất tốt.

 

Không chỉ người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hải Dương được dùng nước sạch mà nhiều người dân ở các tỉnh xung quanh khi có nhu cầu cũng được cung cấp nước sạch để sử dụng.

 

Anh Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn Đại Đồng, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình (địa bàn giáp với huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) cho biết, thôn Đại Đồng có trên 355 hộ với trên 1.300 khẩu, trước đây, dân cư nơi đây hoàn toàn dùng nước giếng khoan và nước mưa. Không có nước sạch nên các thiết bị phục vụ sinh hoạt tại các gia đình thường xuyên hỏng hóc, han gỉ, ai cũng lo lắng cho sức khỏe.

 

“Có những tháng gia đình tôi phải thay mấy quả lọc nước cho chiếc bình lọc. Máy giặt cũng phải vệ sinh thường xuyên. Các vòi nước sau một thời gian sử dụng đều han gỉ và phải thay mới”, anh Hùng chia sẻ.

 

Bởi vậy, bắt đầu từ năm 2015, khi được Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch số 3 (Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương) tiến hành lắp đặt đường ống và cung cấp nước thì mọi người dân trong thôn đều rất vui mừng. Từ vài hộ dùng ban đầu, đến nay gần như cả thôn đã lắp đặt và sử dụng nước sạch. Từ khi có nước sạch, người dân rất an tâm, tình trạng sức khỏe cũng được nâng lên, các thiết bị dùng cho sinh hoạt hàng ngày trong nhà cũng được đảm bảo.

 

Để đưa nước sạch về khắp các vùng nông thôn, bắt đầu từ cuối năm 2010, Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương đã xây dựng và triển khai phương án cấp nước theo "chuỗi", đó là: Xây dựng các nhà máy tập trung, công suất lớn, lấy nguồn nước từ các dòng sông lớn như sông Thái Bình, sông Kinh Thày, sông Luộc, từ đó cấp nước về các thị trấn, thị tứ, khu vực nông thôn theo quy hoạch vùng.


Người dân xã Thái Dương, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương sử dụng nước sạch sinh hoạt. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

 

Với những trạm có sẵn sẽ cải tạo, nâng công suất thành nhà máy để cung cấp nước cho cả vùng... Từ hiệu quả trong cấp nước sạch cho 2 xã đầu tiên là Gia Tân, Gia Xuyên của huyện Gia Lộc, đến nay, công ty đã bao phủ dịch vụ cấp nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế đạt trên 95% địa bàn tỉnh Hải Dương. Riêng trong năm 2017, phát triển thêm gần 13.000 khách hàng và trong 6 tháng đầu của năm 2018 phát triển thêm hơn 5.500 khách hàng, nâng tổng số khách hàng hiện có lên hơn 216.000 khách hàng.

 

Nâng cao chất lượng nước


Đến nay, mạng lưới cấp nước sạch đã vươn tới 100% số xã trong tỉnh, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt hơn 95%. Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương cũng đặt ra mục tiêu là đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch trên địa bàn sẽ đạt 100%.

 

Bên cạnh việc mở rộng, phủ sóng địa bàn cung cấp nước sạch cho người dân, Công ty cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương còn tập trung nâng cao chất lượng nước nhất là khi nguồn nước hiện nay đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm do thiếu ý thức trong xử lý nước thải của các đơn vị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhất là sản xuất công nghiệp, làng nghề…

 

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết, để đảm bảo và nâng cao chất lượng nước cung cấp cho nhân dân, công ty tập trung đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí, nguồn nhân lực, chống thất thoát nước và thất thu có hiệu quả.

 

Từ năm 2011, công ty đã thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ ngành nước. Từ trung tâm này đã nghiên cứu chế tạo thành công nhiều đề án nâng công suất các nhà máy cấp nước và quản trị hệ thống cấp nước.

 

Cụ thể như: nâng công suất bằng công nghệ bể lắng lamen cho phép nâng công suất lên từ 2,5 - 3 lần, góp phần giảm được chi phí đầu tư phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng nguồn nước, từng bước thay thế nguồn nước kém chất lượng lấy từ sông nội đồng thông qua việc truyền tải nguồn nước từ nhà máy. Hay như nghiên cứu và ứng dụng thiết bị giám sát (Datalogger).

 

Với thiết bị này hệ thống quản trị cấp nước tự động hóa hoàn toàn từ đầu nguồn đến cuối nguồn. Nhờ công nghệ thông tin nên chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay một chiếc máy tính thì ở bất cứ đâu, các cán bộ quản lý của công ty cũng có thể kiểm tra, giám sát chất lượng cung cấp nước như: Kiểm tra lưu lượng, áp lực, điều khiển quản lý thiết bị, quản lý người sử dụng hệ thống, vận hành quản lý cấp nước…

 

Nhờ hệ thống giám sát tự động này có thể xác định đánh giá nhu cầu tiêu thụ nước sạch hiện hữu và các giai đoạn tương lai, cân đối lại áp lực giữa khu vực đầu nguồn và cuối nguồn để điều tiết sản xuất cho phù hợp; đảm bảo tuổi thọ cho các đường ống và từ đó tiêu chuẩn cấp nước cho người dân sẽ được đảm bảo một cách tốt nhất.

 

Hiện nay, các giải pháp này đã được Công ty cổ phần Kinh doanh nước Hải Dương hỗ trợ cho các công ty cấp nước sạch ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Theo như ông Đoàn thì hiện công ty đang duy trì mức áp suất cột nước chữa cháy ở thành phố Hải Dương là từ 15m - 16m còn ở khu vực nông thôn là từ 10m - 12m cột nước, cao hơn rất nhiều so với quy chuẩn của Quốc gia.

 

Cùng với việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đầu tư, cải tạo các nhà máy, trạm trung chuyển, từ năm 2011 đến nay, Công ty đã thi công thêm hơn 200 km đường trục chính, hàng nghìn km đường nhánh để đưa nước sạch trực tiếp về 130 xã và bán tổng cho các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân khác.

 

Bằng những giải pháp cụ thể và hiệu quả, mạng lưới cấp nước sạch nông thôn Hải dương đã không ngừng được mở rộng, tỷ lệ người dân được tiếp cận nước sạch ngày càng tăng, môi trường nông thôn được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
 

Tác giả bài viết: Mạnh Tú (TTXVN)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
.
.
.
.